Văn hóa Tam Đảo (huyện)

1. Thiên nhiên đa dạng và thơ mộng

Cách đây khoảng 230 triệu năm, vào giữa kỷ Trias,  hoạt động núi lửa phun trào các lớp nham thạch chồng lấn nhau đã hình thành nên dãy Tam Đảo với các loại đá tạo núi chủ yếu là Riolit pocfia, penzit và các tuf của chúng. Trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước, trong đó nổi tiếng là Thác Bạc có độ cao chừng 50m, ngay cả vào mùa khô vẫn ào ào tung bọt trắng. Địa hình dốc, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và rất nhanh thay đổi theo độ cao.

Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều, cảnh rừng chuyển dần sang xen lẫn các mảng sắc màu đỏ, vàng của những cây rừng ôn đới đang mùa thay lá. Từ trên cao, cảnh sắc thiên nhiên cho du khách chợt cảm về một cảnh quê nơi miền ôn đới nào đó. Ở Tam Đảo cũng có rất nhiều loại rau, quả, củ của miền khí hậu lạnh. Chúng được trồng không những cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ mà còn  là nguồn cung cấp chính cho thành phố Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Mật độ dân số trung bình ở Tam Đảo là khoảng 303 người/km2, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 41,9%. chủ yếu là Sán Dìu, Tày Nùng, Cao Lan… Phân bố dân cư không đều giữa các vùng, tập trung đông đúc ở vùng đồng băng thấp và thưa thớt tại vùng núi cao.

Từ lâu, Tam Đảo đã là một địa danh quen thuộc và là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước với khu nghỉ mát thanh lịch, đậm nét Châu Âu giữa vùng Bắc Bộ.  Bao quanh thị trấn Tam Đảo là  rừng nguyên sinh, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18 °C, có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo đã được người Pháp tìm ra và xây dựng từ 1902-1906, đến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nay, nhiều biệt thự xưa không còn, song cũng đã có thêm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi mới được xây dựng gần đây.

Mỗi năm, Tam Đảo đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu… Ở Tam Đảo còn có khu vườn Quốc Gia, là tài sản quý của cả nước, có nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân trong vùng.

Vườn được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Số liệu điều tra của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Lâm nghiệp và một số cơ quan, tổ chức khác cho thấy ở Tam Đảo có 904 cây có ích, thuộc 478 chi, 213 họ thuộc 3 ngành dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Các loài cây này được xếp thành 8 nhóm có giá trị khác nhau. Trong các loài thực vật, có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như: Hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chuỳ hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Parisdelavayi)...

Về khu hệ động vật, có 840 loài động vật, trong đó có 39 loài đặc hữu. 8 loài đang nguy cấp, 17 loài sẽ nguy cấp, 13 loài hiếm có và 18 loài đang bị đe dọa. Vườn còn đem lại giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường,  điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và  phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu... Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm của nước ta. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này cần được bảo vệ để góp phần làm phong phú tính đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Tam Đảo cũng là nơi có nhiều di tích văn hóa nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu). Nhà thờ Đá ở Tam Đảo cũng là điểm thu hút khách du lích, đặc là người nước ngoài. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lên Tam Đảo và xây dựng một thị trấn ở đây làm nơi nghỉ mát cho các quan chức của chính quyền đô hộ. Tổng cộng có 163 ngôi biệt thự kiến trúc châu Âu đã được xây dựng, tuy ngày nay, một số đã đổ nát. Song, cũng đang có nhiều nhà nghỉ và khách sạn mới được xây dựng thêm. Không những nổi tiếng là khu du lịch nghỉ mát,Tam Đảo còn tự hào có một sự đa dạng về bản sắc văn hóa của  đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn như người Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng, Cao Lan..vv.

2. Huyền bí và linh thiêng

Tam Đảo tự hào không những là một điểm nghỉ mát được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Tam Đảo cũng tự hào là nơi gìn giữ những di sản văn hóa thiêng liêng gắn với đời sống tinh thần của bao thế hệ cha ôngi, đó là khu di tích Lịch sử văn hóa và danh thắng  Tây Thiên. Nơi, truyền thuyết kể rằng có đền thờ nữ chúa Tam Đảo Lăng Thị Tiêu. Bà là người đã có công giúp vua trong buổi đầu dựng nước và giữ nước nhà nước Văn Lang. Bà kết duyên với vua Hùng thứ sáu (Hùng Huy Vương 1712 - 1632 TCN) và  góp phần xây dựng nhà nước Văn Lang [3,4].. Từ đó, liên tiếp các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong suy tôn bà là "Tây Thiên Quốc Mẫu, Thượng đẳng phúc thần” hiệu là “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu”.

Trong Từ điển Bộ Lễ nhà Lê, bà được xếp thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh, được vinh phong là: “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương”. Đền thờ bà tọa lạc trên núi Thạch Bàn cùng với chùa Tây Thiên, nên cũng còn được gọi là đền Thượng Tây Thiên. Hiện nay, trải qua nhiều lần xếp hạng, đến năm 2015, khu di tích này đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt.

Theo nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 54 ngôi đền, đình thờ Bà. Chỉ riêng tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo đã có tới 8 ngôi đền lớn thờ Quốc Mẫu gắn với câu chuyện lịch sử về sự sinh ra và hóa thân của Bà [3]. Trong đó, có một só di tích tiêu biểu như:

Đền Mẫu Sinh. Đền thuộc thôn Đông Lộ xã Đại Đình huyện Tam Đảo, với khuôn viên trên diện tích khoảng 2 316 m2. Trước đó, tài liệu năm 1763 có ghi là đình thôn Đông Lộ (thuộc xã Đại Điền, huyện Tam Dương, trấn Sơn Tây). Song, do biến động xã hội, đình này bị phá hủy. Sau này, khi việc thờ cúng Quốc mẫu được phục hồi, nhân dân địa phương đã xây dựng thành ngôi đền thờ Quốc Mẫu và thân phụ, thân mẫu của bà. Tương truyền đây là nơi sinh ra Quốc Mẫu Tây Thiên với tục danh là Lăng Thị Tiêu.

Đền Mẫu Hóa. Đền thuộc thôn Sơn Phong xã Đại Đình, có khuôn viên diện tích khoảng 9 040 m2 . Trước đây đền có tên gọi là Đình Tổng (thuộc Tổng Đông Lộ). Tương truyền nơi đây là nơi hóa thân của Quốc Mẫu  Tây Thiên. Cạnh cổng Đền còn có giếng Mộc dục là nơi Quốc Mẫu tắm gội trước khi hóa thân về trời. Theo các cụ bô lão trong làng giếng nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán, trước đây giếng được kè bằng đá cuội, đến năm 1997 các cụ phụ lão trong làng huy động nhân dân xây dựng lại để bảo vệ. Trong Đền còn có long ngai bài vị ghi bằng chữ hán “ Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu đại vương”

Đền Ngò. Ngôi đền nằm dưới tán những cây gỗ lim xanh cổ thụ,thuộc thôn Sơn Đình xã Đại Đình, với khuôn viên diện tích chừng 2 804m2. Tương truyền đây là nơi Quốc Mẫu Tây Thiên đã tổ chức tuyển quân và huấn luyện dân binh để giúp vua Hùng đánh đuổi giặc Thục Hán. Hiện nay, trong Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia đá “Tạo lập bi ký”  niên hiệu Chính Hòa thứ 22. Nội dung bia ghi: “Sắc chỉ cho xã Sơn Đình giữ phận sự tạo lệ (trông nom phục dịch) Chùa Tây Thiên, Phù Nghì trên núi Tam Đảo”. Hằng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch, đây cũng là nơi khởi hành rước kiệu Bát Cống về Đền Thỏng trong ngày chính hội Lễ hội Tây Thiên [5].

Đền Thỏng. Trong "Tự điển Bộ Lễ" triều Lê năm 1763, ngôi đền này đã từng được biết đến với tên gọi là đình của xã Sơn Khổn, huyện Tam Dương, trấn Sơn Tây. Hiện nay, đền thuộc thôn Đồng Thỏng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Ngoài ra, do nằm ngay dưới chân núi, nên đền này còn có tên là Đền Trình, với ý là khách hành hương trước khi đăng sơn lên Đền Thượng, nơi thờ chính của Quốc Mẫu Tây Thiên, cần phải vào trình báo tại đây.

Phía trước sân đền còn có một tấm bia đá bốn mặt đề “ Tam Đảo Linh sơn” lập năm Bảo Thái thứ 5 (1724) và hai cây Đại cổ kính có tuổi ước tính hàng trăm năm. Trong đền, trên cung cấm có tượng Quốc Mẫu ngồi trên long ngai. Đây cũng là nơi diễn ra các sự kiện chính của phần Lễ trong Lễ hội Tây Thiên hàng năm với Lễ dâng hương, Lễ khai hội, Lễ tế của các đoàn tế vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm. Dưới sân Đền Thỏng còn có một cây đa cổ thụ, một biểu tượng rất đặc trưng của Khu danh thắng Tây Thiên. Để giữ cho cây đa có thể tồn tại trước sự tàn phá mãnh liệt của thiên nhiên, núi rừng, ban quản lý đã tạo hình các rễ giả làm cột chống, nhờ vậy vừa không làm mất mỹ quan di tích vừa giúp cho cây Đa này đứng vững, hiên ngang tồn tại để lớp con cháu hậu thế có cơ hội được chiêm ngưỡng [5].

Đền Thượng. Là ngôi đền quan trọng nhất trong hệ thống các đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đền Thượng được coi là nơi ở và là nơi thờ chính của bà với thần hiệu “ Tam Đảo sơn Trụ Quốc Mẫu”.  Khu đền nằm ngay trên sườn núi Thạch Bàn. Trước đây ngôi đền này có kết cấu 5 gian, hai trái giống như những ngôi nhà của người Việt ở đồng bằng, một bên thờ Phật và một bên thờ Quốc Mẫu. Song do sự tàn phá của tự nhiên và qua bao thăng trầm của lịch sử ngôi đền xưa, bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2003, khi trùng tu người ta đã xây dựng Chùa và Đền thành hai đơn nguyên tách biệt. Chùa mới có tên là Thiên Phúc Tự hiện do các Ni cô tại tịnh thất Tây Thiên trông nom [5].

Đền Thượng được xây dựng lại và đưa vào phục vụ khách thăm quan vào tháng 10 năm 2009. Hiện nay, quần thể khu Đền Thượng đã được quy hoạch xây dựng khang trang hơn rất nhiều, trên diện tích quy hoạch khoảng 2,865ha, với các công trình kiến trúc chủ đạo như: Đền Thượng, Đền Tam Tòa Thánh Mẫu, Đền Cô Chín, Đền Mẫu Hoàng Thiên cùng với các công trình phụ trợ khác; nhà Tả mạc, Hữu mạc, nhà công quán, nhà thường trực của Ban quản lý, khu ki ốt dịch vụ...

Ngoài những ngôi đền nổi tiếng kể trên, trong khu danh thắng Tây Thiên, còn có những ngôi đền khác, tuy không có quy mô và nổi tiếng bằng. Song, cũng nhiều bí ẩn và linh thiêng như: Đền Cậu, Đền Cô…Theo tuyến đường du lịch, qua Đền Thõng khoảng 1,5 km, du khách sẽ tới Đền Cậu, đường đi đã được lát đá và kè bậc khá thuận lợi, hai bên đường là những hàng cây rợp bóng che mát. Khách hành hương đến Đền Cậu, ngoài cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ, còn để cầu duyên. Đền Cậu được dựng theo cách thờ Cô, thờ Cậu của tín ngưỡng Tứ phủ. Trong điện thờ có hai pho tượng đứng, được đặt trong khám, gồm một nam, một nữ. Tượng nam đội khăn cuốn màu vàng, hai bên tai có hai bông hoa rũ xuống, mình mặc áo chẽn thắt đai vàng. Tượng nữ đội khăn cuốn màu xanh, hai bên tai cũng có hoa rũ xuống, mình mặc áo chẽn màu xanh, ngoài khoác áo choàng xanh [4].  Họ tạo thành một cặp xứng đôi, trong tư duy lưỡng hợp.

Đền Cô cách Đền Cậu khoảng 2 km, đền thờ Cô Bé (Cô thứ mười hai trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ). Đền này đã có từ rất lâu và hiện là nơi thờ Tứ Phủ Thánh Cô. Nhờ nằm trong khu vực rừng cấm quốc gia, nên khung cảnh thiên nhiên ở đây còn giữ được những nét đẹp hoang sơ và huyền ảo. Bao quanh khu đền là rừng nguyên sinh với những quần thể động thực vật đa dạng, phong phú, không khí trong lành, thanh nhã, thoáng đãng, yên bình. Ngay cạnh đền có dòng suối Giải Oan và một chiếc giếng cổ, nhiều khách hành hương đến đây đã thừa nhận rằng suối này rất linh thiêng. Nếu được uống nước lễ lấy từ suối hoặc giếng này thì sẽ cảm thấy tịnh tâm và thanh thản. Nhờ vậy, đền Cô Bé thu hút được rất nhiều du khách gần xa.

Ngoài ra, ngay tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, những địa danh Nhà thờ Đá, Đền bà Chúa Thượng ngàn, Am Vua  Bà… cũng là những nơi  tâm linh, thu hút đông đảo, du khách đến thăm quan và hành lễ tâm linh.

Trong khu di tích danh thắng Tây Thiên, còn địa danh gần đây đã rất quen thuộc với đông đảo đồng bào Phật tử, đó là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Thiền viện này, tuy mới được xây dựng khoảng năm 2004, song thực tế là đã được kế thừa trên nền của một ngôi chùa cổ có từ rất lâu đời. Theo Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, viện chủ trụ trì Thiền viện, thì Thiền viện này đã được xây dựng trên nền một ngôi Chùa cổ có tên là Thiên Ân Thiền Tự.

Chùa được xây dựng ở cao độ khoảng 250m so với mực nước biển, mặt bằng tương đối rộng rãi. Trong quá trình làm nền móng làm còn thấy những kè đá xếp tương đối nguyên vẹn, những bậc đường đi lên xuống là những khối đá to bằng phẳng, do Sư Tổ ngày xưa khéo chọn xếp.

Tương truyền, đó là một trong ba ngôi chùa cổ có từ thời Hùng Vương, gồm: Thiên Ân Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự và Hoa Long Thiền Tự.

Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có dịp khảo sát kỹ các cổ tự này, song ở Tây Thiên vẫn còn lưu giữ được ba ngôi mộ cổ ghi danh hiệu ba vị thiền sư là: Giác Linh Ngã, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền sư. Giải mã về các hiệu danh này, bước đầu đã cho thấy: Ba chữ “Giác Linh Ngã” nghĩa là sự khẳng định. Ta là người hiểu rõ (hay giác ngộ) được sự thiêng liêng. Phải chăng, ngài là người đắc đạo đầu tiên ở Tây Thiên Còn hai vị thiền sư sau, một vị là lấy hiệu “Núi”, một vị lấy hiệu là “Khe”, đều là những đặc trưng tiêu biểu của cảnh trí trí tự nhiên trong khu vực . Phải chăng, các vị đã dựa theo đó mà đặt ra hiệu danh, tưởng tượng cho sự thiêng liêng giác ngộ: có Núi, có Khe (Nước), có Dương và có Âm.

Ngày nay, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã trở thành là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam và là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống. Tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển và giao lưu với thế giới.

Một điểm đáng chú ý nữa ở Tây Thiên là các dấu tích di sản văn hóa và danh thắng thường kết hợp hòa quyện nhau như là một quần thể di tích - danh thắng tổng hợp. Ở đó, chúng ta thấy có đủ các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, như: Di tích khảo cổ (Đồng Cổ, Thiên Ân, Cự thạch), di tích lịch sử (Văn bia, Đồng Ma, Ao Dứa), di tích kiến trúc nghệ thuật (đền Thượng), danh lam thắng cảnh (suối Vàng, thác Bạc). Các loại hình di tích này đan xen, hòa quyện với nhau, rất khó có thể phân định rạch ròi, tạo nên một hệ thống di tích - danh thắng liên hoàn, đa dạng, bí hiểm và linh thiêng. Nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố: Tâm linh -  Tín ngưỡng - Thiên nhiên. Do vậy, không chỉ trong mùa lễ hội, mà quanh năm đều thấy du khách thập phương đến Tây Thiên. Ngoài ra còn có hàng đoàn học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu,  leo núi , khám phá cảnh rừng nguyên sinh.

3. Danh thắng và tâm linh

Khách hành hương đến Tây Thiên lần đầu, thường cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự đa dạng và đan xen của yếu tố tâm linh và danh thắng. Sự đa dạng đó còn thể hiện ở tính chất phức hợp trong thờ tự và tín ngưỡng với sự hội tụ cả đạo Phật (chùa), đạo Lão (am), và đạo Nho (đền). Điều này, đã góp phần làm cho Tây Thiên thơ mộng trở nên huyền bí và linh thiêng hơn.

Ngày nay, đa phần chúng ta đều hiểu "Tây Thiên" là gắn với địa danh của Phật giáo, song bắt đầu từ bao giờ vẫn còn là câu hỏi. Truyền thuyết dân gian vùng Tam Đảo nói rằng, ngay từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, tại núi Thạch Bàn, đã có các đệ tử của Đức Phật tìm đến và làm nơi trụ trì tu hành. Nhiều khả năng, các nhà sư đầu tiên đó đến từ Ấn Độ (Tây Thiên). Từ đó, vùng núi này mang tên "Tây Thiên" với nghĩa là “nơi các nhà sư Ấn Độ tu hành”. Đó cũng là cách để các đệ tử đời sau, ghi nhớ các nhà sư đầu tiên mang đạo Phật vào Việt Nam. Dần về sau, với các phật tử Việt Nam, "Tây Thiên" đã trở thành là tên của thế giới cực lạc, thế giới mà Đức Phật và các đệ tử ưu tú của Ngài ở. Tây Thiên đã được coi là một trong những nơi xuất phát của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong hệ thống các huyền thoại về thời kỳ dựng nước, ba ngọn núi "Tam Đảo - Ba Vì - Nghĩa Lĩnh" luôn được coi là vùng đất linh thiêng, là "ba cột trụ đỡ trời” của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc mà trung tâm là đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do vậy theo ý, này thì Tây Thiên chính là bầu trời phía tây của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng là nơi các thần tiên trên trời thường lui xuống, tụ hội, vân du. Chính truyền thuyết về vua Hùng lên núi cầu tiên rồi cưới nàng Lăng Thị Tiêu đã phần nào phản ánh quan niệm này.

Sau này, khi hệ thống huyền thoại về cội nguồn dân tộc hình thành, thì ba ngọn núi thiêng trên cũng đã sớm được tích hợp vào hệ thống các huyền thoại thời các vua Hùng dựng nước. Cũng rất tương đồng, khi ở cột trụ phía đông bên kia, Sơn Tinh Tản Viên, kết duyên với con gái vua Hùng và trở thành vị tướng phò vua diệt Thục, thì ở cột trụ phía tây này, Hùng Chiêu Vương cưới nàng Lăng Thị Tiêu là người tiên và cùng giúp vua đánh quân Thục. Các huyền thoại này đã góp phần giải mã về quá trình hình thành Nhà nước sơ khai thời xa xưa tại vùng Tam Đảo.  Xu hướng tích hợp tín ngưỡng - văn hóa thờ thần núi (Tản Viên, Tam Đảo, Nghĩa Lĩnh) vào hệ thống huyền thoại Hùng Vương dựng nước đã là yếu tố quan trọng thúc đẩy, dẫn tới sự nhân thần hóa việc thờ thần núi ở Bắc Bộ, mà trước tiên là hai ngọn núi thiêng Tam Đảo (Núi Mẹ) và Ba Vì (Núi Cha).

Sau này, việc xây dựng biểu tượng núi thiêng bảo trợ cho quốc gia và kinh thành Thăng Long còn được tiếp tục, củng cố và hiện thực hóa bằng việc phong thần của các triều đại, Lý, Trần, Lê…cũng như tổ chức các nghi lễ thờ cúng mang tính quốc gia đối với hai vị thần núi này. Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, đây chính là lần "tăng quyền” thứ nhất cho các vị thần núi. Các vị thần núi từ là "nhiên thần" mà đã trở thành những "nhân thần" có sức mạnh, công trạng gắn bó với lịch sử thời kỳ lập quốc cũng như củng cố, bảo trợ quốc gia tự chủ của dân tộc Việt.

Cùng với việc nhân thần hóa và nam tính hóa thần núi Tản Viên thành nam thần thì việc nhân thần hóa và nữ tính hóa thần núi Tam Đảo thành nữ thần cũng là lẽ tự nhiên và phù hợp với tâm thức dân gian. Tương truyền, ngọn núi Tam Đảo là nơi các thần tiên trên trời thường xuống ngao du, đàn hát, là nơi các đạo sĩ lui tới tu tiên. Truyền thuyết về vua Hùng Chiêu Vương thứ 7 đi tuần du ở núi Tam Đảo, để cầu Phật và cầu Tiên, chắc cũng không nằm ngoài mạch suy luận dân gian này.

Biểu tượng Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ được "tăng quyền” do quá trình hội nhập vào hệ thống huyền thoại hình thành quốc gia dân tộc và còn được tiếp tục  "tăng quyền” nhờ sự hội nhập tôn giáo - tín ngưỡng. Đó là sự hội nhập việc thờ nữ thần núi với Phật giáo và Đạo giáo dân gian (Mẫu Tam phủ, Tứ phủ). Quốc Mẫu Tây Thiên đã trở thành là một trong hai Quốc Mẫu có từ thời dựng nước, với điểm thờ quan trọng nhất là ngôi đền Thượng nằm trên núi Thạch Bàn, nơi ấy trong tâm thức người Việt là nơi đất Mẹ - đất Mẫu, nơi “nước trong nguồn chảy ra”.

Tại Tây Thiên, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Vì vậy, những người hành hương tới đây, luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực. Thật may mắn khi được đến Tây Thiên trong một ngày đầu xuân và khám phá những điều huyền bí và linh thiêng của vùng đất này cũng như thỏa những ước nguyện về một cuộc sống an lành và hạnh phúc.